Hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế. Chủ động bảo hộ thương hiệu của bạn ngay hôm nay!

Khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần phải sở hữu hợp pháp nhãn hiệu, thương hiệu của bạn. Đã có quá nhiều bài học đắt giá về tranh chấp nhãn hiệu, tranh chấp thương hiệu. Do đó, chủ doanh nghiệp hiểu biết về bảo hộ thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu để phát triển doanh nghiệp bền vững.

Trong bài viết này, hãy cùng Sao Kim tìm hiểu kỹ càng về quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tại Việt Nam và cả đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu từ A-Z

Trước tiên, chúng ta cần làm rõ một số khái niệm…

1. Đăng ký nhãn hiệu vs Đăng ký thương hiệu?

Để làm rõ 2 khái niệm này, trước tiên hãy điểm lại khái niệm Thương hiệuNhãn hiệu.

1.1. Thương hiệu là gì?

Khái niệm thương hiệu đề cập đến một khái niệm kinh doanh và tiếp thị giúp mọi người nhận thức về một công ty, sản phẩm hoặc cá nhân cụ thể.

Thương hiệu là vô hình, có nghĩa là bạn không thể thực sự chạm vào hoặc nhìn thấy chúng.

Các thương hiệu thường sử dụng các hệ thống nhận diện để tạo ra bản sắc và trực quan hóa thương hiệu. Thương hiệu mang lại lợi thế cạnh tranh to lớn cho công ty hoặc cá nhân so với những người khác trong cùng ngành.

Có 4 hình thức thương hiệu phổ biến nhất:

  • Thương hiệu Công ty
  • Thương hiệu Cá nhân
  • Thương hiệu Sản phẩm
  • Thương hiệu Dịch vụ

> Đọc thêm: Thương hiệu là gì? 7 Yếu tố tạo nên thương hiệu

1.2. Nhãn hiệu là gì?

Khái niệm nhãn hiệu đề cập đến một thiết kế, cụm từ…. hoặc biểu tượng giúp nhận biết sản phẩm cụ thể và phân biệt về mặt pháp lý với tất cả các sản phẩm cùng loại.

Nhãn hiệu là hữu hình và có tính xác định cao.

Bản quyền nhãn hiệu xác định một sản phẩm thuộc về một công ty cụ thể và công nhận quyền sở hữu nhãn hiệu của công ty đó.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có 2 loại nhãn hiệu chính:

  • Nhãn hiệu hàng hóa
  • Nhãn hiệu dịch vụ

Và dựa trên 2 loại nhãn hiệu trên thì có thể chia thành 4 loại nhãn hiệu cụ thể:

  • Nhãn hiệu tập thể
  • Nhãn hiệu chứng nhận
  • Nhãn hiệu liên kết
  • Nhãn hiệu nổi tiếng

1.3. Thương hiệu vs Nhãn hiệu

Qua 2 khái niệm thương hiệu và nhãn hiệu ta có thể hiểu đơn giản như sau:

  • Thương hiệu là vô hình, đề cập đến vấn đề nhận thức (không thể đăng ký)
  • Nhãn hiệu là hữu hình được sử dụng để đăng ký để bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu (gọi chính xác là đăng ký nhãn hiệu)
  • Sở hữu hợp pháp nhãn hiệu tương đương với việc bảo hộ thương hiệu.

Có một điểm cần phân biệt rõ:

  • Các cụm từ “đăng ký thương hiệu“, “đăng ký bảo hộ thương hiệu” hay “đăng ký bản quyền thương hiệu” được sử dụng phổ biến, nhưng đây là các cụm từ sử dụng giao dịch hàng ngày để nhiều người cùng hiểu.
  • Trong các văn bản pháp lý cần phải chính xác, do đó sử dụng cụm từ “Đăng ký nhãn hiệu“.

Như vậy, để bảo vệ thương hiệu và an tâm phát triển, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký nhãn hiệu.

2. Quy trình đăng ký nhãn hiệu chuẩn nhất

Để giúp bạn tiến hành đăng ký nhãn hiệu thuận tiện hoặc hiểu các cung cấp dich vụ đăng ký nhãn hiệu như thế nào thì Sao Kim xin hướng dẫn chi tiết bên dưới đây.

Note: Do nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cả việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế, vì thế Sao Kim cũng giới thiệu qua luôn trong bài viết này

2.1. Quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu trong nước

Quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu trong nước được thực hiện theo các bước sau:

Quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu trong nước

Bước #1: Thiết kế, xác định nhãn hiệu cần đăng ký

Trước khi đăng ký nhãn hiệu bạn cần phải thực sự nắm chúng trong tay đã. Việc để tỷ lệ đăng ký nhãn hiệu thành công cao, bạn cần tính toán từ giai đoạn thiết kế nhãn hiệu (hay còn thường gọi là thiết kế thương hiệu).

Thậm chí tại thời điểm đặt tên thương hiệu, tên công ty, bạn đã phải suy nghĩ về vấn đề đăng ký nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu tiềm năng, hạn chế nhầm lẫn và có thể đăng ký có đặc điểm:

  • Có tính phân biệt cao
  • Không phổ biến
  • Không trùng lặp
  • Không tìm kiếm thấy trên Google, Mạng xã hội…
  • Tối thiểu tên miền .com, .vn còn có thể đăng ký

Bước #2: Tra cứu khả năng bảo hộ

Trong quá trình thiết kế, sáng tạo bạn cần thực hiện tra cứu khả năng bảo hộ ngay:

  • Đầu tiên bạn có thể tra cứu trên Google (Google Search, Google Image), Mạng xã hội.
  • Sau đó kiểm tra thêm khả năng đăng ký tên miền tại các nhà đăng ký: Tenten, PA Vietnam, iNET, Mắt Bão, Nhân Hòa… để không những đảm bảo khả năng bảo hộ cao khi đăng ký mà còn đảm bảo cả lợi thế tìm kiếm trên môi trường số.

Tuy nhiên, như vậy là vẫn chưa đủ, bởi vì có rất nhiều thương hiệu, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ, nhưng không công khai (chỉ tồn tại trong cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ).

Do đó, khi bạn đã thực hiện đánh giá qua một nhãn hiệu tiềm năng, bạn cần tra cứu chuyên sâu để chắc chắn hơn về khả năng đăng ký bảo hộ thành công, đây là cách thực hiện:

  • Lựa chọn mẫu nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện theo các tiêu chuẩn bảo hộ.
  • Chỉ định hàng hóa và dịch vụ chính xác mà nhãn hiệu sẽ áp dụng bằng cách sử dụng danh sách trong Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (Bảng Phân loại Ni-xơ).

> Tham khảo ngay dịch vụ thiết kế logo của Sao Kim, chúng tôi thiết kế, sáng tạo logo thỏa mãn kỳ vọng của bạn và cam kết hỗ trợ đăng ký bảo hộ thành công.

Bước #3: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ cần để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

  • 02 Tờ khai A.04 đăng ký NH theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN
  • 05 Mẫu nhãn hiệu (80×80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu
  • Bản sao chứng từ nộp lệ phí (nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
  • Giấy ủy quyền (nếu nộp thông qua đại diện)
  • Các tài liệu liên quan (VD: Bản gốc chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên)

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, bạn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước #4: Theo dõi, chờ phê duyệt

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì thời gian đến lúc có kết quả về việc cấp văn bằng bảo hộ được quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

  • Thẩm định hình thức đăng ký nhãn hiệu: Trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn và sẽ nhận được Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và đăng công bố đơn.
  • Công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp trong 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
  • Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu trong 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. Nếu đơn đủ điều kiện cấp văn bằng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng.
  • Thời hạn cấp văn bằng là 02 – 03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.

Tại bước này, bạn cần liên tục theo dõi các thông báo từ Cục để xử lý (nếu có phát sinh). Thông thường thời gian chờ phê duyệt này có thể kéo dài hơn do quá tải đơn được nộp, nhân viên tại Cục không xử lý kịp thời hoặc tranh cãi giữa các thương hiệu liên quan.

> LƯU Ý QUAN TRỌNG: Các vấn đề về tranh chấp về thương hiệu có thể bắt đầu từ việc chậm chễ. Vì thế, nếu không có kinh nghiệm và thời gian, bạn nên xem xét sử dụng dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu. Sao Kim sẽ giúp bạn hoàn thành thủ tục dễ dàng, bám sát tiến độ đăng ký nhãn hiệu.

Bước #5: Ra quyết định cấp/ từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Sau khi đã thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định:

  • Từ chối cấp văn bảng bảo hộ: Nếu đối tượng trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ.
  • Cấp văn bằng bảo hộ (và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp): Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ cần được duy trì miễn là bạn muốn giữ nhãn hiệu đó. Các tài liệu cụ thể phải được hoàn thành, cùng với việc kiểm tra hàng năm trên hệ thống của Cục sở hữu trí tuệ, để đảm bảo rằng đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn không hết hạn.

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do Cục SHTT cấp có thời hạn sử dụng là 10 năm và không giới hạn số lần gia hạn.

> LƯU Ý QUAN TRỌNG: Cá nhân, tổ chức phải nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong vòng 6 tháng trước ngày văn bằng hết hiệu lực.

Đăng ký để không bỏ lỡ những nội dung hay nhất, mới nhất về xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp từ Sao Kim Branding

2.2. Quy trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Tương tự với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, các doanh nghiệp với nhu cầu mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế cần chuẩn bị cho mình việc bảo hộ thương hiệu quốc tế để hạn chế các nguy cơ tranh chấp thương hiệu tại các quốc gia mà doanh nghiệp nhắm tới.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế phức tạp hơn so với đăng ký nhãn hiệu trong nước, do đó, Sao Kim chỉ giới thiệu qua quy trình chung, cụ thể đăng ký tại từng quốc gia sẽ có đôi chút yêu cầu khác biệt.

Việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế sẽ thực hiện thông qua hệ thống Madrid, chỉ được áp dụng đối với các nước thành viên của Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid, hiện tại có 126 nước thành viên bao gồm Việt Nam.

Quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Bước #1: Thiết kế, xác định nhãn hiệu cần đăng ký

Tương tự như đăng ký nhãn hiệu trong nước, đầu tiên bạn phải xác định nhãn hiệu cần đăng ký bảo hộ quốc tế.

Ở đây xảy ra 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: Đăng ký nhãn hiệu mới (chưa đăng ký trong nước)
  • Trường hợp 2: Đăng ký nhãn hiệu đã được đăng ký trong nước

Đối với trường hợp 2, bạn có thể tiếp tục ngay các bước tiếp theo bên dưới.

Nhưng trong trường hợp 1, bạn cần lưu ý:

  • Nếu quốc gia lựa chọn đăng ký là thành viên của Thỏa ước Madrid thì cần phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia của mình trước khi tiến hành đăng ký lên Cơ quan WIPO.

Ngoài ra, văn hóa, quy định tại mỗi quốc gia sẽ có khác biệt nhất định, do đó nếu doanh nghiệp của bạn nhắm đến thị trường quốc tế thì hãy tính toán từ sớm để nhãn hiệu dễ được đăng ký hơn.

> Note: Giai đoạn thiết kế, sáng tạo thương hiệu và tra cứu khả năng bảo hộ luôn cần thực hiện song hành

Bước #2: Chọn quốc gia muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Bạn có thể chọn một hoặc nhiều quốc gia để đăng ký, tùy thuộc vào thị trường các quốc gia mà bạn hướng đến để phát triển dòng sản phẩm mang tên nhãn hiệu của mình.

> LƯU Ý: Quyền của nhãn hiệu sẽ được bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ, đăng ký tại quốc gia nào sẽ chỉ được bảo hộ tại quốc gia đó

Bước #3: Tra cứu khả năng đăng ký bảo hộ

Doanh nghiệp muốn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thì nên thực hiện tra cứu trước khả năng đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia sở tại.

Điều này để có thể tránh được rủi ro khi đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế bị từ chối do tương tự gây nhầm lẫn với đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu đã được bảo hộ tại từng nước.

Bước #4: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Sau khi tra cứu các điều kiện và đảm bảo khả năng cao thương hiệu của doanh nghiệp mình được bảo hộ. Chủ doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế qua hệ thống Madrid tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Bước #5: Theo dõi tiến trình đăng ký nhãn hiệu

Tiến trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế như sau:

  • Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu quốc tế được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thẩm định và chuyển đơn đăng ký cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ.
  • Trong vòng 12 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ lên văn phòng Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Quốc Tế, công ty sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại các nước đã được chỉ định trong đơn.

Về chi phí đăng ký nhãn hiệu quốc tế, bạn có thể tham khảo công cụ tính phí trực tuyến do WIPO cung cấp tại: https://madrid.wipo.int/feecalcapp/

Bước #6: Cấp chứng nhận

Khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế thành công, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận và đăng thông tin trên Madrid Monitor.

  • Thời gian bảo hộ 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với các quốc gia là thành viên của Thỏa ước Madrid, bao gồm cả những quốc gia đồng thời ký kết Nghị định thư Madrid.
  • Thời gian bảo hộ 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với các quốc gia chỉ ký kết Nghị định thư Madrid.

> Để đăng ký nhãn hiệu quốc tế dễ dàng, hãy tham khảo ngay dịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế của Sao Kim.

3. Tại sao phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu?

Không giống như quyền tác giả được bảo hộ tự động (nếu bạn chứng minh được bạn là người sáng tác), quyền bảo hộ đối với nhãn hiệu, thương hiệu chỉ được kích hoạt khi đăng ký thành công (và còn hiệu lực).

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích:

3.1. Làm chủ thương hiệu của bạn

Một nhãn hiệu (hoặc thương hiệu) phân biệt và độc đáo giúp nâng tầm công ty của bạn trên thị trường và tạo sự khác biệt cho công ty của bạn so với các đối thủ cạnh tranh.

Do đó, tên doanh nghiệp, logo, ​​trang web và sự hiện diện trên mạng xã hội là một trong những tài sản quý giá nhất của bạn và cần được bảo vệ mạnh mẽ. 

Việc một doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ đặt doanh nghiệp đó trước nhiều mối nguy hiểm khi không có cơ sở pháp lỹ vững chắc để ngăn cản hành vi xâm phạm thương hiệu.

Ngược lại, một khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thành công thì có thể sử dụng quyền sở hữu hợp pháp để sử dụng, ủy quyền, nhượng quyền hoặc cho phép ai đó sử dụng thương hiệu.

3.2. Bảo vệ doanh nghiệp khỏi các vấn đề pháp lý

Cho đến khi một tên thương hiệu hoặc logo chưa được cấp văn bằng bảo hộ, bạn không thể chắc chắn rằng nó thuộc về bạn. 

Là chủ doanh nghiệp, bạn có nguy cơ rất cao bị công ty khác xâm phạm nhãn hiệu ban đầu của mình và không có cách nào để tranh luận rằng nhãn hiệu là của bạn vì nó chưa được đăng ký.

Không sở hữu nhãn hiệu, bạn không có cơ sở để khởi kiện các đối tượng xâm phạm.

Ngoài ra, nhãn hiệu mà bạn đã tạo và tin rằng là duy nhất hoàn toàn có thể đã tồn tại từ trước. Nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp khác đã đăng ký nhãn hiệu tương tự, bạn rất có thể bị lôi kéo vào các vụ kiện tụng và nhiều khả năng bị xử phạt vì đã sử dụng trái phép thương hiệu, quan trọng nhất là việc mất đi tâm huyết mà bạn đã đầu tư gây dựng.

Cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề này ngay từ đầu là đăng ký nhãn hiệu của bạn càng sớm càng tốt.

Bằng cách đăng ký nhãn hiệu, nó sẽ là tấm chắn bảo vệ cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian dài. Điều quan trọng là phải đảm bảo có được vị thế thuận lợi ngay từ đầu và tránh được tổn thất trong tương lai.

3.3. Giúp bạn truyền bá thương hiệu của mình

Thương trường đông đúc và thật khó để phân biệt thương hiệu của bạn với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, các thương hiệu sử dụng nhãn hiệu như một công cụ giao tiếp hiệu quả để thu hút sự chú ý của khách hàng cũng như làm cho sản phẩm và dịch vụ của họ trở nên nổi bật.

Các nhãn hiệu được bảo hộ có thể tránh bị sao chép, nhờ đó trở nên độc nhất, tìm kiếm dễ dàng và người mua có thể nhanh chóng tiếp cận hàng hóa của bạn vì nó là độc đáo, là duy nhất.

Qua nhiều nỗ lực xây dựng nhận thức về thương hiệu, dần dần người tiêu dùng có thể thông qua logo, tagline để nhanh chóng nhận ra một thương hiệu nào đó, thậm chí là hiểu rõ tính cách, đặc điểm, chất lượng…

Chẳng hạn, giờ đây, chúng ta chỉ cần lướt qua logo Rolex, chúng ta sẽ nhận thức đó là một thương hiệu cao cấp với các tiêu chí chất lượng khắt khe, hoặc khi nghe tagline “nâng niu bàn chân Việt” của Bitis, ta lại thấy lòng tự hào dân tộc với các sản phẩm giày dép được sản xuất tại Việt Nam.

Ví dụ về nhãn hiệu Rolex và Bitis

Rolex logo và Biti’s tagline

> Đọc thêm: 15 Xu hướng xây dựng thương hiệu phổ biến nhất hiện nay

3.4. Tạo sự tin tưởng cho các bên liên quan

Mọi người đều tiếp xúc với nhãn hiệu thường xuyên, ngay cả khi họ hiểu khái niệm về chúng. Trong một thị trường ngày càng bận rộn, giá trị của sự khác biệt đi kèm với niềm tin thương hiệu tạo ra một tài sản có giá trị.

Khách hàng ngay lập tức biết rằng họ đang mua hàng từ ai và ít có khả năng nhầm lẫn.

“KHÁC BIỆT HAY LÀ CHẾT”

– Steve Rivkin, Jack Trout –

Do đó, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu của mình để ngăn chặn những kẻ làm giả sản phẩm và dịch vụ của họ hoặc gây nhầm lẫn trên thị trường với nhãn hiệu tương tự. Tạo sự tin tưởng cho các bên liên quan.

Bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu cũng cho phép các công ty tiếp cận thị trường mới một cách an toàn thông qua cấp phép, tham gia liên doanh hoặc các thỏa thuận hợp đồng khác.

Đối với các đối tác địa phương ở những thị trường uy tín trên thế giới như Nhật, EU, Mỹ,… họ sẽ yêu cầu nghiêm ngặt về nhãn hiệu của bạn phải được bảo hộ. 

Do đó, bằng việc sở hữu nhãn hiệu hợp pháp của bạn sẽ cho đối tác địa phương biết rằng lợi ích của họ được bảo vệ – đó là cách xây dựng lòng tin tốt nhất.

Nhãn hiệu của công ty cũng làm tăng thêm giá trị và sự công nhận cho các nhà đầu tư. Một tập đoàn sở hữu các nhãn hiệu, bằng sáng chế, chứng chỉ và sự uy tín trong hoạt động kinh doanh của mình sẽ được tin tưởng trên thị trường.

​​Các nhà đầu tư  yêu thích việc đăng ký nhãn hiệu vì họ đang mạo hiểm tiền và sự tin tưởng của họ vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nếu bạn thể hiện sự nỗ lực bảo vệ tương lai của doanh nghiệp mình thì các nhà đầu tư cũng có thêm niềm tin vào doanh nghiệp bạn.

3.5. Gia tăng giá trị cho thương hiệu

Thương hiệu của bạn có thể là một trong những tài sản có giá trị và tác động lớn nhất đến doanh nghiệp. Không giống như hầu hết các loại tài sản hữu hình, giá trị của các tài sản trí tuệ có thể tăng trưởng vô hạn.

Theo thời gian, một thương hiệu được xây dựng tốt sẽ trở nên quan trọng và có giá trị hơn khi danh tiếng kinh doanh của họ tăng lên.

Khi đó nhãn hiệu có thể được sử dụng để thúc đẩy sự hỗ trợ thương mại bổ sung, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng và đa dạng hóa sản phẩm.

Xem xét giá trị của một thương hiệu hàng đầu, chẳng hạn giá trị thương hiệu của Apple năm 2022 là hơn 350 tỷ USD và đã tăng lên đáng kể trong 15 năm qua. Do đó, không có giới hạn bên ngoài về mức độ giá trị thương hiệu có thể đạt được bất kể quy mô của công ty.

> Đọc thêm: Tài sản thương hiệu là gì? Lý do cần bảo vệ tài snar thương hiệu

4. Tổng kết về đăng ký nhãn hiệu

Như vậy, để đăng ký nhãn hiệu thành công bạn cần có hiểu biết rõ ràng về quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu từ trước khi thực sự thiết kế, sáng tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu của mình.

Qua bài chia sẻ này, sao Kim hi vọng bạn đã có được các thông tin cần thiết giúp tự tin hơn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.

> Nếu cần tìm hiểu thêm về đăng ký nhãn hiệu, hãy liên hệ với Sao Kim qua hotline 0964.699.499 hoặc email contact@saokim.com.vn để được hỗ trợ kịp thời.

Follow các bài viết chất lượng của Sao Kim tại: 

Blog Sao KimCẩm Nang Sao Kim 

Facebook: Sao Kim Branding

Case study BehanceSao Kim Branding

#SaoKim #SaoKimBranding #DangKyNhanHieu #DangKyThuongHieu #BaoHoNhanHieu #BaoHoThuongHieu

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *