Dưới đây là trả lời của CEO Nguyễn Thanh Tuấn liên quan đến câu hỏi về vai trò của truyền thông trong xây dựng thương hiệu trong khuôn khổ toạ đàm Nâng tầm chỉ số tín nhiệm thương hiệu được tổ chức bởi tạp chí Việt Nam hội nhập trong tháng 5/2024 vừa qua.

HOST: Câu hỏi cho Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Được biết ông là Nhà sáng lập và Điều hành Sao Kim Branding, Ông có thể cho biết: “Vai trò của truyền thông trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu Việt trong một thế giới phẳng kết nối không biên giới như hiện nay?”

Chuyên gia Nguyễn Thanh Tuấn:Liên quan đến câu hỏi về vai trò của truyền thông trong việc phát triển và quảng bá thương hiệu, ý kiến của tôi thế này.

Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Nhưng tại các doanh nghiệp Việt, đang tồn tại mâu thuẫn cơ bản, một mặt doanh nghiệp hiểu được đã kinh doanh là phải xây dựng thương hiệu và truyền thông, mặt khác hoặc họ không biết cách làm hoặc vẫn còn chịu ảnh hưởng của việc quá tập trung vào sản phẩm:  “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “hữu xạ tự nhiên hương”.

Thực tế, một sản phẩm tốt, không được truyền thông tốt thì không thể có thương hiệu tốt.

Hãy nghĩ về truyền thông như là cây cầu kết nối giữa thương hiệu và khách hàng. Nó không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận được đám đông mà còn tạo ra một ấn tượng tích cực và gây dựng lòng tin.

Thứ nhất, truyền thông giúp xây dựng nhận thức và nhận diện thương hiệu: Bằng cách sử dụng các kênh truyền thông phù hợp, chúng ta có thể đưa thông điệp của thương hiệu đến với đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Ví dụ, thương hiệu Trung Nguyên đã sử dụng chiến lược truyền thông thông minh để xây dựng hình ảnh “Cafe Việt Nam” và thu hút sự chú ý từ khách hàng trong và ngoài nước. Ngay cả những sản phẩm truyền thống như chè Việt Nam cũng có thể nâng tầm giá trị lên hàng chục lần nếu làm tốt việc xây dựng nhận thức thương hiệu như các thương hiệu trà Trung Quốc, Đài Loan đã làm thành công.

Thứ 2, Truyền thông giúp tạo ra sự tương tác và tạo ra cộng đồng cho thương hiệu: Qua các nền tảng truyền thông xã hội, thương hiệu có thể tương tác trực tiếp với khách hàng, lắng nghe phản hồi và xây dựng một cộng đồng ủng hộ.  Ví dụ, Vinamilk đã thành công trong việc sử dụng truyền thông xã hội để tương tác với người tiêu dùng, đồng thời tạo ra các chiến dịch quảng cáo sáng tạo để thu hút sự chú ý. Hay Coca Cola có rất nhiều chiến dịch thành công thông qua việc tương tác với người dùng sử dụng AI, in tên người dùng lên lon coca, hợp tác với nghệ sĩ hay sử dụng mạng xã hội.

Thứ 3, truyền thông là công cụ quan trọng trong việc xây dựng uy tín và lòng tin đối với thương hiệu:Bằng cách thông qua các kênh truyền thông, thương hiệu có thể chia sẻ thông tin, giá trị và cam kết của mình một cách minh bạch và chân thành. Điều này giúp tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy và đồng thời tạo ra sự yên tâm cho khách hàng khi quyết định lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu.

Ví dụ, thương hiệu Viettel đã sử dụng chiến lược truyền thông tích cực để định vị mình không chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu mà còn là một đối tác đáng tin cậy trong các dự án xã hội và cộng đồng. Gần đây các quảng cáo của Thaco nhấn mạnh doanh nghiệp có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua thông điệp “Thaco phát triển cùng đất nước”.

Như vậy, truyền thông tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Bằng cách tận dụng các kênh truyền thông hiệu quả, thương hiệu có thể tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ, xây dựng một cộng đồng ủng hộ và tạo ra lòng tin đối với khách hàng. Điều này không chỉ giúp thương hiệu phát triển mạnh mẽ mà còn tạo ra một cơ sở hữu ích và bền vững cho sự thành công trong tương lai. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe!

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *